Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng

Thứ Bảy, ngày 8 tháng 4 năm 2017 - 22:56

Cỡ chữ: A+ A-

Hiện nay, bệnh tự kỷ đang có chiều hướng gia tăng tại tỉnh ta do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để các em được hòa nhập với cuộc sống bình thường đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của gia đình, nhà trường và xã hội.


 Điều trị cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen.​


Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 2-4 hằng năm là ngày “Thế giới nhận thức trẻ tự kỷ”. Tại Việt Nam hiện có khoảng 200 nghìn trẻ mắc hội chứng tự kỷ nhưng không phải trẻ nào cũng được phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp kịp thời. Theo các chuyên gia y tế, tự kỷ là dạng rối loạn về kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp. Nguyên nhân có thể là do trẻ bị tổn thương não, trẻ sinh non hoặc trong quá trình mang thai người mẹ bị cúm, sốt phát ban, sốt rubella...

Trẻ tự kỷ thường thích chơi một mình, không muốn giao tiếp với người khác, chỉ chìm đắm trong thế giới riêng. Nhiều trẻ ở vùng quê, cha mẹ hạn chế hiểu biết, thấy con có biểu hiện lạ, cho rằng “không bình thường” nên phó mặc cho số phận. Nếu không có biện pháp dạy dỗ, điều trị kịp thời, bệnh của trẻ sẽ nặng thêm, khó hòa nhập sau này.

Tại tỉnh ta, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen là đơn vị duy nhất của ngành Y tế tỉnh thực hiện chức năng khám, phát hiện và triều trị bệnh tự kỷ. Hiện Bệnh viện đang điều trị cho 103 trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Đa số trẻ tự kỷ được phát hiện sớm và điều trị tại đây đều có tiến bộ, hòa nhập tốt với cuộc sống. Tuy nhiên, một số trẻ tự kỷ phát hiện khá muộn (tức là trẻ sau 3 tuổi) gây khó khăn cho việc điều trị cũng như hiệu quả điều trị.

Chị Hoàng Thị Vui, thôn Làng Soi, xã Yên Phú (Hàm Yên) là mẹ của cháu Tạ Lê Hoàng, sinh năm 2013 đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen cho hay, gia đình phát hiện cháu mắc chứng tự kỷ từ khi còn nhỏ. Nhưng lúc đó, vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình chưa cho cháu đi điều trị được.

Thời gian gần đây, thấy cháu có biểu hiện nặng hơn của bệnh tự kỷ như chưa nói được, không biết bắt chước, không phản ứng khi được gọi tên, chơi một mình... nên gia đình đã cho cháu về Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen để điều trị. Với sự giúp đỡ của giáo viên và gia đình cùng phối hợp chăm sóc, sau một thời gian điều trị, đến nay cháu đã có nhiều tiến bộ, gần gũi với mọi người, tính tình hòa đồng, kiểm soát được hành vi...

Chị Âu Thị Tuyên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và khuyết tật khác, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen cho biết, vấn đề hòa nhập cộng đồng là quy trình quan trọng trong việc giáo dục chăm sóc trẻ tự kỷ. Sau khi được giáo dục chuyên biệt, các bé được hòa nhập với cộng đồng.

Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân. Phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ không chỉ là nhiệm vụ của giáo viên, chuyên viên tâm lý mà quan trọng nhất là phụ huynh, bởi gia đình có tính chất quyết định tới kết quả điều trị.

Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện, chẩn đoán và được can thiệp sớm một cách bài bản sẽ giúp cho trẻ sớm khắc phục ngay được những khuyết điểm của mình để hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, mỗi gia đình có con nhỏ, khi thấy con em mình có những biểu hiện của trẻ tự kỷ cần chủ động đưa trẻ đi khám và điều trị sớm, bảo đảm cho trẻ được phát triển bình thường.

 

Bài, ảnh: Minh Hoa

 




In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email Lượt xem: 7.949 views

Xem tin theo ngày:   / /