Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu lớn đối với Việt Nam, mỗi năm số lượng lao động Việt sang làm việc tại Đài Loan vẫn dẫn đầu trong các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, lao động nước ta sang đây vẫn chủ yếu làm giúp việc gia đình hay các công việc đơn giản, còn thiếu nhiều kỹ năng, ngôn ngữ…
Lao động Việt tại Đài Loan. (Ảnh minh họa)
Chị Vũ Thị Nhung ở Tuyên Quang sang làm giúp việc gia đình ở Đài Loan đã 13 năm. Lúc mới sang, chị không biết ngoại ngữ và phải hơn một năm mới có thể giao tiếp được. Công việc của chị là chăm sóc người già và phải tự học hỏi kinh nghiệm chứ không qua trường lớp đào tạo nào. Thời gian đầu, chị gần như không biết gì nhiều về văn hóa, phong tục, tập quán… của Đài Loan, vì thế nhiều khi vi phạm luật giao thông, gây nguy hiểm cho chính mình. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều lao động Việt Nam làm việc tại đây. Khi nghe thông tin sắp tới Việt Nam sẽ hội nhập thị trường lao động giúp việc với nhiều nước trong khu vực, chị Nhung rất mừng nhưng cũng mong việc đào tạo lao động giúp việc cần phải được chú trọng vào thực chất và cả ngoại ngữ.
Chị Vũ Thị Nhung nói: “Quá trình học tiếng tại Việt Nam sang bên này hoàn toàn không sử dụng được mà phải học thực tế. Ngôn ngữ là quyết định trong công việc bởi không biết tiếng nói sẽ rất khổ. Thứ hai là đào tạo nghiệp vụ chăm sóc người già vì hầu hết chị em sang đây là chăm sóc người già. Khi mình đã có kinh nghiệm công việc và tiếng nói nữa, hầu hết đến nhà chủ không gặp khó khăn”.
Ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, người Việt chiếm đông nhất trong số cộng đồng người nước ngoài tại Đài Loan. Trong đó, người lao động là khoảng 170 nghìn người. Thuận lợi là chính quyền Đài Loan rất quan tâm đến cộng đồng người di dân mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, khó khăn là người lao động qua đây thường đến từ các vùng nông thôn ở Việt Nam nên ít hiểu biết về các quy định pháp luật nước sở tại. Vì thế Văn phòng thường thông qua Hội Việt Kiều tại Đài Loan để tuyên truyền pháp luật cho người lao động. Văn phòng cũng đã thành lập và giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban lao động liên hệ với các công ty quản lý lao động, doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi bà con.
Ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nói: “Mỗi khi có đơn từ khiếu nại của bà con về các vấn đề như phí lao động, công việc hay đối xử của doanh nghiệp thì Ban lao động sẽ trực tiếp liên hệ với các đơn vị đó để giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho bà con người Việt. Đối với người muốn sang Đài Loan lao động, cần phải tìm hiểu rõ qui định của ta cũng như của bạn trong lĩnh vực lao động, những luật pháp sở tại, những công việc sắp tới phải làm và đặc biệt là học thêm tiếng Trung để thuận lợi hơn trong công việc”.
Ngoài vai trò chính của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc thì cánh tay nối dài của Văn phòng trong việc hỗ trợ người lao động Việt Nam chính là các hội, nhóm người Việt. Trong đó, nổi bật nhất chính là Hội Việt kiều tại Đài Loan với nhiều hoạt động kết nối người Việt.
Ông Vũ Văn Long, Hội trưởng Hội Việt kiều tại Đài Loan nói: “Thị trường lao động nước ngoài tại Đài Loan là hơn nửa triệu và người Việt chiếm khoảng 170 ngàn. Hội Việt Kiều đã thành lập một Trung tâm hỗ trợ quyền lợi người lao động, nếu những công ty môi giới thu tiền phí quá không theo qui định của Chính phủ thì Hội Việt kiều sẽ đứng ra can thiệp”.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Tổng Giám đốc công ty du lịch và di dân Đông Nam Á cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ, kèm theo đó là khác biệt về thói quen sống, phong tục tập quán và cả kỹ năng nghề. Công ty của bà Lan hoạt động trong lĩnh vực du lịch và di dân, tư vấn thủ tục di dân, nhập quốc tịch, tư vấn du học, kết hôn… nên đây cũng là nơi mà người lao động Việt Nam tìm đến khi có những vấn đề phát sinh. Qua quá trình giải quyết các vụ việc, bà Nguyễn Thị Phương Lan có lời khuyên là người lao động cần chuẩn bị kĩ năng trước từ trong nước để không phải bỡ ngỡ.
“Ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo rất là tốt. Vì thế những người muốn sang đây lao động thì cần phải học tốt kĩ năng về ngôn ngữ, nghiệp vụ của mình sẽ không gặp khó khăn. Người Đài Loan rất thân thiện và thiện tâm cho nên cũng đã có rất nhiều lao động được chủ quý mến. Có người làm 13, 14 năm chứng tỏ là người ta có chỗ đứng rất quan trọng trong gia đình những người chủ bên này”, bà Nguyễn Thị Phương Lan nhắn nhủ.
Đài Loan là thị trường lao động rất lớn, luôn đứng hàng đầu trong thị trường lao động Việt Nam. Đây vẫn đang là thị trường tiềm năng và sắp tới sẽ còn có nhiều lao động Việt Nam sang đây. Vì thế, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, cần phải có sự giúp sức của các cơ quan quản lý, các hội, nhóm người Việt tại Đài Loan và nhất là sự chủ động của những người lao động trong việc tìm hiểu pháp luật và chuẩn bị tâm lý để lao động trong một môi trường mới. Có như thế, người lao động Việt Nam tại Đài Loai mới có thể bảo vệ được mình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước./.
Theo VOV