Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06); Văn bản số 388/LĐTBXH-CNTT ngày 22/01/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởngchính sách.
Từ ngày 26/3/2024 đến ngày 15/4/2024 Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã thành lập Đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Đề án 06 về một số nội dung thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý tại 07 huyện, thành phố.
Tham gia đoàn kiểm tra gồm có: Lãnh đạo Sở, các phòng chuyên môn thuộc Sở, các đơn vị liên quan cấp huyện và cấp xã. Đoàn tiến hành làm việc tại Ủy ban nhân dân cấp xã và đến thăm gia đình một số đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội để nắm tình hình đối tượng và nắm tình hình việc triển khai chính sách liên quan đến Đề án 06 đến từng hộ đối tượng.
Trong thời gian làm việc Đoàn đã đánh giá kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc và nhiệm vụ thời gian tới tại từng cơ sở địa phương, cụ thể như sau:
Về chi trả không dùng tiền mặt:
Với sự chỉ đạo quyết tâm của tỉnh, sự vào cuộc, phối hợp, quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đến nay tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt của các đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội đã đạt trên 50% (Cụ thể: Tỷ lệ chi trả qua tài khoản của người có công đạt 57%, tỷ lệ chi trả qua tài khoản của đối tượng bảo trợ xã hội đạt 51%. Trong đó thành phố Tuyên Quang đạt cao nhất 93,9%, huyện Lâm Bình thấp nhất đạt 18,05%). Việc thực hiện chi trả qua tài khoản cơ bản đảm bảo, an toàn, công tác phối hợp cùng các đơn vị thực hiện theo Đề án 06 của Chính phủ cơ bản tốt, nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng đã thường xuyên hỗ trợ người dân mở thẻ và sử dụng thẻ ngân hàng.
Tuy nhiên, còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương như: Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của đối tượng (Cả tỉnh có 68 cây ATM, có huyện chỉ có 3 Cây ATM/cả huyện, có những đối tượng phải di chuyển qua rất nhiều xã mới đến được điểm rút tiền; đối tượng phần đông thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn không có điện thoại thông minh để theo dõi dòng tiền lưu thông trong tài khoản, phần đông đối tượng không biết sử dụng điện thoại và thẻ rút tiền; mức trợ cấp hàng tháng thấp, đối tượng phải mất một phần chi phí để duy trì tài khoản…có một số đối tượng không an tâm khi chuyển tiền vào tài khoản của người được ủy quyền, đặc biệt là một số đối tượng người có công với cách mạng, với tâm lý đây là tiền xương máu của bản thân nên muốn nhân viên Bưu điện chi trả trực tiếp tại nhà). Từ những khó khăn trên, một số người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa bày tỏ nguyện vọng quay lại nhận trợ cấp bằng tiền mặt. Công tác quản lý đối tượng sau khi không trực tiếp chi trả bằng tiền mặt gặp khó khăn để kịp thời theo dõi báo tăng, giảm đối tượng hằng tháng và cắt giảm chế độ chính sách được kịp thời. Việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, đa số thông qua người được ủy quyền và sau khi chuyển tiền vào tài khoản của người được ủy quyền đa số các huyện, thành phố chưa thực hiện được công tác kiểm tra tiền trợ cấp có đến được tay đối tượng hay không để kịp thời chấn chỉnh.
Về thực hiện thủ tục hành chính liên thông: “Khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí”:
Đến nay 7/7 huyện, thành phố đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ mai táng phí của đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội trên cổng dịch vụ công liên thông trực tuyến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên dịch vụ công liên thông của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (hồ sơ mai táng phí người có công 188 hồ sơ; hồ sơ mai táng phí đối tượng bảo trợ xã hội 938 hồ sơ).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có một số khó khăn vướng mắc do lỗi về kỹ thuật của hệ thống phần mềm liên thông của Bộ dẫn đến một số hồ sơ bị chậm, trễ hạn, hoặc không tìm thấy hồ sơ, do đó cán bộ xã phải giải quyết chế độ thủ tục hành chính bằng hồ sơ giấy; điều kiện về cơ sở vật chất máy vi tính, thiết bị khác của cấp xã còn khó khăn (đường truyền tốc độ chậm, không ổn định). Đa phần người dân không có điện thoại di động đảm bảo cấu hình để cài đặt, kích hoạt để sử dụng ứng dụng VneID và chưa biết tự sử dụng thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính) thực hiện các thao tác đẩy hồ sơ lên dịch vụ công để giải quyết chế độ, chính sách, do đó cán bộ xã phải hướng dẫn từng người dân, giúp công dân mở tài khoản và hướng dẫn từng thao tác thực hiện trong khi lượng hồ sơ đối tượng đông, cán bộ xã còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác.
Về cập nhật cơ sở dữ liệu lên hệ thống trực tuyến của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để kết nối với C06 (Bộ công an) đồng bộ với dữ liệu dân cư.
Đến nay các huyện, thành phố đã thường xuyên cập nhật thông tin đối tượng bảo trợ xã hội lên hệ thống trực tuyến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, và hằng tháng cập nhật biến động đối với số đối tượng tăng và đối tượng giảm. Từ đó đã theo dõi, quản lý và thực hiện các chế độ chính sách của các đối tượng trên phần mềm trực tuyến. Tổng số đối tượng bảo trợ xã hội được cập nhật lên hệ thống trực tuyến trên 38.000 đối tượng, đạt 100%. Đồng thời sau khi cập nhật thông tin số đối tượng lên hệ thống, các huyện đã gửi thông tin đối tượng sang C06 (hệ thống quản lý của Bộ Công an) để xác thực với dữ liệu dân cư.
Tuy nhiên, sau khi xác thực với dữ liệu dân cư còn trên 13% đối tượng bảo trợ xã hội đang bị sai lệch thông tin, thiếu căn cước công dân/mã định danh, số đã được xác thực trùng khớp với số liệu dân cư đạt 82,7% (số còn lại đang chờ xác thực)
Qua kiểm tra đoàn đã kết luận và kiến nghị các cấp cơ cở
Một. Tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng, đồng thời làm tốt việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đối tượng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến từng đối tượng về ý nghĩa, tiện ích, tính ưu việt trong chi trả không dùng tiền mặt để các đối tượng hưởng ứng tham gia đăng ký và nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, nhằm nâng tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt đảm bảo hoàn thành kế hoạch của tỉnh giao. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, bộ phận trong quá trình hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục về ủy quyền nhận trợ cấp, người giám hộ theo đúng quy định.
Hai. Rà soát toàn bộ đối tượng bảo trợ xã hội không tìm thấy thông tin, thông tin chưa trùng khớp với dữ liệu dân cư, cập nhật, điều chỉnh thông tin đối tượng theo hướng dẫn tại các Văn bản của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội khi nhập lên hệ thống trực tuyến trùng khớp với dữ liệu dân cư. Tiếp tục cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em.
Ba. Tăng cường công tác quản lý đối tượng tại cơ sở, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn tại cơ sở để theo dõi, quản lý đối tượng, báo cáo kịp thời biến động khi đối tượng tăng hoặc giảm để kịp thời điều chỉnh chế độ chính sách của đối tượng cho phù hợp, đảm bảo đúng quy định. Đồng thời theo dõi, kiểm tra, xác nhận đối tượng đã nhận tiền qua tài khoản đúng, đủ số tiền trợ cấp hàng tháng hay không, đặc biệt đối với đối tượng nhận qua tài khoản ủy quyền.
Bốn. Hướng dẫn người dân khi phát sinh thủ tục “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký tạm trú, giải quyết trợ cấp mai táng phí” biết cách thao tác trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến khi đẩy hồ sơ lên hệ thống từ tài khoản của công dân theo đúng quy định, đảm bảo 100% hồ sơ liên thông về giải quyết mai táng phí được thực hiện trên môi trường điện tử.
Nguồn tin: Phòng Xã hội, Phòng Người có công
MỘT SỐ HÌNH ẢNH LÀM VIỆC TẠI CƠ SỞ
(Đoàn làm việc tại Hội trường UBND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng NCC tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên)
(Đoàn làm việc tại UBND xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng NCC tại xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng NCC tại xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn)
(Đoàn làm việc tại Hội trường UBND xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng BTXH tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng BTXH tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng NCC tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa)
(Đoàn làm việc tại Hội trường UBND xã Thanh Tương, huyện Na Hang)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng BTXH tại xã Thanh Tương, huyện Na Hang)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng NCC tại xã Thanh Tương, huyện Na Hang)
(Đoàn làm việc tại Hội trường UBND xã Bình An, huyện Lâm Bình)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng BTXH tại xã Bình An, huyện Lâm Bình)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng NCC tại xã Bình An, huyện Lâm Bình)
(Đoàn làm việc tại Hội trường UBND xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng BTXH tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng NCC tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng BTXH tại Phường Tân Hà, TP Tuyên Quang)
(Đoàn đến thăm, hỏi đối tượng NCC tại Phường Tân Hà, TP Tuyên Quang)