Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, GDNN có vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực trực tiếp trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Trong những năm qua, hệ thống cơ sở dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, hệ thống GDNN cơ sở vẫn còn sức ỳ, chưa thay đổi kịp theo yêu cầu; công tác quản lý nhà nước về GNNN cũng chưa đủ sức kiến tạo cho sự phát triển của GDNN. Do đó, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tiến bộ khoa học công nghệ.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Cao Văn Sâm cũng cho biết thêm, mục tiêu của Đề án này nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề đào tạo; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong đó một số ngành nghề đạt chuẩn khu vực ASEAN và các nước phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Đề án này gồm 03 cấu phần chính: 1) Thực trạng giáo dục nghề nghiệp; 2) Đổi mới nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025; 3) Tổ chức thực hiện. Đồng thời đây sẽ là Đề án tạo sự đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc góp ý vào Đề án
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức đã trao đổi thẳng thắn, làm rõ hơn thực trạng, tồn tại và bất cập của giáo dục nghề nghiệp thời gian qua cũng như đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng của Đề án. Cùng với đó, có rất nhiều ý kiến đóng góp rất thực tế cả trực tiếp và góp ý bằng văn bản như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực..v.v.
Cuối buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá rất cao các ý kiến, đề xuất đều rất cụ thể, thiết thực. Thứ trưởng cũng cho rằng, đây là những thông tin rất quý để Ban soạn thảo Đề án có thêm thông tin để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Đề án.