Đào tạo nghề nông thôn phải gắn với thị trường

09/04/2017 - 00:31
1352

Ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc công tác Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT). Tại Hội nghị này, nhiều ý kiến các đại biểu đều đề nghị, trong giai đoạn này, mục tiêu đặt ra là đào tạo nghề cho LĐNT phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất.

 Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, từ năm 2010 đến 2016, đã có trên 5 triệu LĐNT được học nghề. Trong đó gần 3,5 triệu LĐNT đào tạo theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% (khu vực nông thôn 8,4%) năm 2009 lên 53% (khu vực nông thôn 14,5%) năm 2016; nâng năng suất lao động xã hội từ 37,9 triệu đồng (nông nghiệp 14,1 triệu đồng) năm 2009 lên 84,5 triệu đồng (nông nghiệp 32,9 triệu đồng) năm 2016 và thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009, xuống còn khoảng 44% năm 2015, giảm 7,5%.“Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm việc làm mới nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản từ chỗ tham gia học nghề với mục tiêu hỗ trợ tiền ăn chuyển sang học để nắm bắt khoa học, ứng dụng sản xuất, kỹ năng để nâng cao đời sống, thu nhập” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị 

Trong giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho LĐNT được đưa vào nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu là đào tạo nghề cho 5,5 triệu LĐNT (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. “Tôi và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thống nhất, từ bây giờ phân rõ nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp là thuộc Bộ NN&PTNT, nghề phi nông nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Tới đây, hai bộ cùng các cơ quan liên quan, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức từ cấp lãnh đạo chính quyền đến người dân. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT phải là một cuộc cách mạng, cần phải gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chủ trương, quan điểm cũng như yêu cầu của Chính phủ là không tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau học nghề. Cần phải tập trung đánh giá đầy đủ công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian qua, những gì là thế mạnh, thành công, đâu là hạn chế để có những đề xuất cải tiến hoạt động đào tạo nghề trong giai đoạn tới. “ Có nơi nay nơi kia có hiện tượng đánh trống ghi tên để đào tạo nghề…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và muốn bàn thực trạng, có hay không có việc đó, cá biệt hay phổ biến.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác dạy nghề cho LĐNT, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh miền núi biên giới này gặp nhiều khó khăn. Vốn phân bổ chậm và ít trong khi điều kiện Hà Giang địa bàn phân tán, việc mở lớp dạy nghề tập trung ở xã, huyện rất khó khăn, mà các cơ sở dạy nghề phải xuống tận thôn bản để mở lớp. "Việc các lớp mở ra xong, lao động học xong thì địa phương cũng không có nhiều doanh nghiệp để tiếp nhận lao động, học nghề xong vẫn chẳng có việc. Vì thế có những huyện mỗi năm vẫn có đến 4.000 - 5.000 lao động bỏ sang bên kia biên giới để kiếm việc làm"-ông Quý nêu thực tế.

Đồng tình với ý kiến lãnh đạo tỉnh Hà Giang, đại diện Sở NN & PTTN tỉnh Hà Nam cho biết, cái khó khăn nhất của tỉnh là tỷ lệ LĐNT thuộc đối tượng hộ nghèo tham gia học nghề chiếm 24,7% (năm 2016), lực lượng này sau khi được đào tạo gặp khó khăn về vốn và điều kiện cần thiết để mở rộng sản xuất. "Hiện trên địa bàn tỉnh, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động nông nghiệp còn ít, người học chủ yếu là tự tạo việc làm. Bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp/đầu người của Hà Nam còn thấp, LĐNT học nghề xong chưa có cơ chế hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, hành nghề đã được học. Đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định"- đại diện Sở NN & PTTN tỉnh Hà Nam trăn trở.

Chia sẻ về công tác này, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho hay, địa phương có đến 95% dân số là người đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới, đa chiều) vẫn chiếm trên 50%, việc phát triển ngành nghề là rất cần thiết nhưng do địa bàn chia cắt, sản xuất nhỏ lẻ nên công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó việc phân bổ vốn chậm và ít cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều có chung đề nghị Trung ương phải có kế hoạch phân bổ vốn hàng năm sớm hơn và cần phải tăng thêm vốn. Cần hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình, cần có thêm các chính sách hỗ trợ, phụ cấp thêm cho cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo nghề ở địa phương khó khăn… Đại diện Trường CĐ nghề công nghệ và nông lâm Đông Bắc còn kiến nghị thêm, cần có cơ chế phối hợp cụ thể giữa Nhà trường – doanh nghiệp – người lao động để giải quyết việc làm sau đào tạo và bao tiêu, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, công tác đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016 -2020 là nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT để góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học nghề có nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn.

Toàn cảnh Hội nghị

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH TUYÊN QUANG

Chịu trách nhiệm: Ông Tô Hoàng Linh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang

Trụ sở: Đường Lý Thánh Tông, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang. Điện thoại: 0207 3822 697 - Email: laodongtbxh@tuyenquang.gov.vn

Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang (https://soldtbxh.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang