Tích cực phòng, chống, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

Thứ Bảy, ngày 8 tháng 4 năm 2017 - 23:42

Cỡ chữ: A+ A-

Công an tỉnh, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh phát hiện và xử lý 129 vụ liên quan đến các hành vi phạm tội về gia đình. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 126 vụ với 147 bị can. Số vụ phát hiện không phải nhỏ nhưng đây lại là dấu hiệu đáng mừng khi người dân ngày càng có ý thức đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình.


 Trước đây, các vụ bạo hành gia đình được coi như “chuyện thường ở huyện” hay “việc nhà đóng cửa bảo nhau”. Người dân chưa có ý thức đấu tranh, phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa tố giác các hành vi phạm tội liên quan đến gia đình. Thời gian gần đây, những vụ việc về gia đình được phát hiện nhiều một phần do nhận thức của người dân về pháp luật và một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Trong 5 năm qua, 6 vụ bạo hành gia đình được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó 4 vụ bạo hành trẻ em và 2 vụ bạo hành phụ nữ. 6 đối tượng đã được pháp luật nghiêm trị, nhân dân ngày càng có ý thức tố giác loại tội phạm này.

 

Hội viên phụ nữ xã Hồng Quang (Lâm Bình) tìm hiểu pháp luật qua sách, báo.

Theo Công an tỉnh,ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn với các loại tội phạm về gia đình. Lực lượng công an chủ động phối hợp với các tổ chức liên quan chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát khu vực phối hợp với công an xã tích cực bám, nắm địa bàn. Các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật bị gọi hỏi, răn đe, kịp thời ngăn chặn hành vi ngay từ khi có biểu hiện.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các phòng chuyên môn, các phòng văn hóa – thông tin các huyện, thành phố xây dựng, duy trì hoạt động mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, toàn tỉnh có 2 mô hình Phòng chống bạo lực gia đình tại xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương và xã Yên Phú, huyện Hàm Yên. Sở cũng chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng 1 Mô hình Giảm thiểu tác hại bình đẳng giới trên cơ sở giới tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Mô hình này đã thu hút được trên 460 thành viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ.

Toàn tỉnh có 8 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có nhiều mô hình, câu lạc bộ, nhóm về phòng chống bạo lực ra đình. Hoạt động của các mô hình, tổ chức này đã tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong nhân dân.

Không chỉ có vậy, nạn nhân, người bị bạo lực gia đình còn được hỗ trợ ở 456 “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”. Đây là những địa chỉ để hỗ trợ, giúp đỡ và giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình.
 

Vũ Anh Tuấn




In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email Lượt xem: 4.459 views

Xem tin theo ngày:   / /