Chỉ số PCI và định hướng phát triển doanh nghiệp

Thứ Bảy, ngày 8 tháng 4 năm 2017 - 22:31

Cỡ chữ: A+ A-

Nghị quyết 17-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000 doanh nghiệp, trong đó trên 1.500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.


 Những chỉ số biết nói 


Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016 toàn tỉnh đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 130 doanh nghiệp, có 31 doanh nghiệp giải thể. Từ đầu năm đến nay, có 46 doanh nghiệp đăng ký mới, giải thể 3 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh hiện nay là 1.224 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 11.437 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp là 9,3 tỷ đồng. Tỉnh đề ra kế hoạch mỗi năm số doanh nghiệp thành lập mới phải tăng 30% so với năm trước liền kề. Năm 2016 số lượng doanh nghiệp thành lập mới không đạt so với kế hoạch đề ra.

 


Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường in trích lục bản đồ
phục vụ nhu cầu về thông tin quy hoạch đất đai cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo chỉ số PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm chỉ số Gia nhập thị trường của Tuyên Quang năm 2016 đạt 7,85 điểm, giảm 0,9 điểm so với năm 2015, đứng ở vị trí 62/63 tỉnh, thành phố. Kết quả cũng cho thấy, doanh nghiệp phải mất 7 ngày mới hoàn thành các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong đó có 19,6% số doanh nghiệp phải mất hơn 1 tháng mới chính thức đi vào hoạt động; 6% doanh nghiệp phải chờ hơn ba tháng hoàn thành các thủ tục để chính thức hoạt động.

Chỉ số Gia nhập thị trường có các chỉ tiêu như: Thời gian đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tổng số giấy đăng ký và giấy phép cần thiết để chính thức hoạt động, chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký kinh doanh. Như vậy, chỉ số Gia nhập thị trường là một trong những chỉ số thành phần quan trọng để đánh giá việc doanh nghiệp được thành lập mới, mở rộng hình thức kinh doanh có được thuận lợi. 

Các chỉ số khác liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi để gia nhập thị trường cũng như hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi cũng đều có dấu hiệu sụt giảm về điểm số. Cụ thể, chỉ số Chi phí thời gian của doanh nghiệp cũng rất thấp, đạt 5,82 điểm, đứng ở vị trí 55/63 tỉnh, thành phố. Gần 40% doanh nghiệp cho rằng họ phải mất hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu những quy định của Nhà nước, số thời gian làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế lên đến 28 giờ, trong khi thời gian dành cho việc này trung bình cả nước chỉ có 8 giờ.

Chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2016 cũng đứng ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng với điểm số 4,65, đứng ở vị trí 59/63 tỉnh, thành phố. Trong đó điểm yếu của tỉnh là thiếu các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, đào tạo quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp. Tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ hỗ trợ chỉ từ 20% đến 38%.

Bám sát định hướng của tỉnh 

Sự sụt giảm về chỉ số Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian doanh nghiệp, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp làm hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp hiện tại và khó thu hút đầu tư trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Để đảm bảo số lượng 1.500 doanh nghiệp hoạt động thì vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp cần phải bám sát các định hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp của tỉnh. 

 


Người dân làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại bộ phận một cửa
thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư.

Xu hướng phát triển chung của các ngành nghề trong tỉnh thời gian qua chủ yếu tập trung vào phát triển các loại hình doanh nghiệp xây dựng, khai thác khoáng sản. Khi tài nguyên thiên nhiên không còn và Nhà nước liên tục cắt giảm đầu tư công thì những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng khai thác khoáng sản có còn là lợi thế? Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên mất đi lợi thế phát triển. Điều này dẫn đến những xung đột làm chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp bị sụt giảm.

Tỉnh sẽ không có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng, khai khoáng mà tập trung ưu tiên vào 3 lĩnh vực chính bao gồm: Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và các sản phẩm có thế mạnh; du lịch. Chuyển hướng sang các lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên sẽ là những lợi thế cho doanh nghiệp bằng nhiều cơ chế,  chính sách hỗ trợ. Tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định, số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp còn khiêm tốn, chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ kêu gọi, vận động các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo tiền đề và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong liên kết “4 nhà”, tạo các chuỗi giá trị và thực hiện tốt mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn, tích tụ ruộng đất, bảo đảm nông nghiệp thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp là thông điệp lớn mà tỉnh đang quyết tâm thực hiện. Cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính và phải thực hiện thời gian dưới mức quy định, thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng đã được các sở, ban, ngành đang nỗ lực thực hiện. Dành sự quan tâm tới doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như: Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Chương trình Cà phê doanh nhân, các cuộc gặp trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là những điểm nhấn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có động lực phát triển, ổn định.
Theo TQĐT




In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email Lượt xem: 4.322 views

Xem tin theo ngày:   / /